Lưu ý khi mua xe ô tô cũ đã qua sử dụng

Những năm gần đây, phương tiện ô tô được nhiều gia đình lựa chọn và nhu cầu sử dụng xe tăng cao chính vì vậy mua xe cũ cũng rất phổ biến nhờ chi phí rẻ, thủ tục mua đơn giản, tiết kiệm tài chính. Tuy nhiên, khi mua xe ô tô cũ người mua vẫn cần lưu ý một số điểm để tránh việc mất tiền nhưng nhận lại xe không chất lượng.

Kiểm tra lý lịch xe

Khi mua xe ô tô cũ, người mua xe thường dễ tin tưởng thái độ của người bán để đánh giá về tình trạng phương tiện. Tuy nhiên, việc này thường dễ khiến cho người mua không tập trung vào việc kiểm tra xe cũ định mua mà chủ yếu xem cách người mua giới thiệu về chiếc xe của mình.

Vì thế trước khi mua xe, người mua nên kiểm tra tỉ mỉ nội, ngoại thất và hiệu quả hoạt động của ô tô cũ đã qua sử dụng. Quan trọng hơn, người mua cần tìm hiểu về lý lịch của xe ô tô xem tên đăng ký trong giấy tờ có chính xác không, biển số xe có đồng nhất với giấy tờ không và kiểm tra từng chi tiết trong ngoài xe, sử dụng thử các tính năng trên xe xem còn hoạt động không.

Kiểm tra tình trạng thân vỏ

Toàn bộ vỏ xe có thể được tân trang bắt mắt nhưng có những vị trí mà cả những người thợ lành nghề trong lĩnh vực này cũng không để ý hoặc không thể khắc phục. Đó là mặt bên trong của móc tay nắm cửa cạnh ghế lái (chứ không phải ở các vị trí khác). Một chiếc xe sử dụng nhiều thì chi tiết này sẽ mòn nhiều, thậm chí là mòn nhiều nhất trong số tất cả các chi tiết ngoại thất xe.

Tiếp đó, quan sát chốt cửa trên trụ B và ngoàm trên cánh cửa cạnh ghế lái. Mức độ mòn của các bộ phận này là bằng chứng về thực trạng sử dụng của xe mà không thể che giấu.

Những vị trí nhạy cảm trên thân vỏ sẽ không chỉ cho biết chiếc xe đó được sử dụng như thế nào mà còn lưu dấu ấn trong các vụ va chạm. Những khe ráp nối các tấm vỏ, các mép gấp ở khung cửa ra vào, cửa kính, sườn hay dè chắn bùn là những chỗ hay đọng nước và bùn bẩn và sẽ bị hoen rỉ.

Quan trọng hơn thế là những vị trí này thường không thể phục hồi như nguyên bản khi đã bị móp méo do đâm đụng. Hãy nhớ rằng hầu hết các dòng xe hiện đại đều sử dụng kết cấu khung gầm và thân vỏ dạng không gian và được hàn bằng ro-bot, rất phẳng, đều và không thể thay mới cho dù bị hư hỏng nặng do va chạm. Chính vì vậy, bất kể mối hàn lạ hay vị trí biến dạng bất thường nào cũng đều là những dấu hiệu khả nghi.

Kiểm tra tiện nghi nội thất

Bước vào bên trong một chiếc xe đã qua sử dụng, người mua trước tiên cần quan sát tổng thể để có sự đối chiếu sự xuống cấp hay bạc màu khác nhau ở các vị trí khác nhau. Bề mặt trên của táp-lô là khu vực dễ bị bạc màu nhanh nhất do gần kính lái nhất, hứng nhiều bụi bặm, thường xuyên bị nắng nóng, trong khi lại ít được chăm chút trong quá trình vệ sinh nội thất xe. Trên một chiếc xe còn tốt, các phần ốp táp-lô hay tap-pi cửa, trần xe, bệ trung tâm phải chắc chắn.

Bên cạnh đó, sự xuống cấp của ghế lái và vô-lăng là hai phần luôn song hành với tần suất sử dụng xe. Với một chiếc xe đã bị sử dụng nhiều, nệm mút của ghế lái sẽ bị nhũn hơn, thậm chí là bị bẹp chứ không căng với các ghế còn lại.

Nếu là ghế bọc da thì phần đỡ đùi dưới và hay bên lưng ghế (nơi thường xuyên tiếp xúc với cánh tay người lái) sẽ bị bong mặt hoặc rạn nứt khi sử dụng nhiều. Tùy theo chất lượng nội thất mà sự xuống cấp diễn ra nhanh hay chậm. Với những xe đã được bọc lại nội thất thì nệm mút bị nhão là dấu hiệu còn lại để có thể nhận biết. Vô-lăng nhẵn bóng ở những vị trí tay cầm, hay lớp bọc da bong tróc cũng là biểu hiện dễ nhận thấy.

Với những dòng xe vẫn dùng chìa khóa thông thường thì chiếc chìa khóa và ổ khóa điện cũng là những chi tiết biết nói. Người mua xe cần xem chiếc chìa đã mòn hay chưa, ổ khóa có bị rơ lỏng hay không, và việc vặn chìa khóa có còn trơn tru hay không.

Lái thử kỹ càng

Khi lái thử chiếc xe bạn hãy để ý đến những vấn đề sau: Cảm giác ngồi trong xe có gập ghềnh không? Bất kể mọi địa hình, hệ thống treo sẽ hấp thụ hầu hết va chạm mà không tạo ra một cú xóc lớn trong cabin. Nếu không đúng như vậy hoặc có tiếng gõ hay tiếng kêu rắc rắc khi bạn lái xe, thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy các bộ phận của hệ thống treo bị mòn hoặc bị hỏng.

Ly hợp có bị trượt không? Dấu hiệu của việc trượt ly hợp là xuất hiện tiếng kêu khi chuyển số hoặc tăng tốc. Trong trường hợp này, ly hợp có thể cần được thay thế.

Bánh ô tô có tự chạy lệch theo một hướng khi bạn thả tay lái? Khi điều khiển xe trên đường thẳng, bằng phẳng, lúc cảm thấy an toàn, bạn hãy thử nhấc tay ra khỏi tay lái một chút. Nếu ô tô tự chạy lệch theo một hướng nhất định thì bánh xe có thể đã bị lệch.

Động cơ có phát ra tiếng gõ hoặc tiếng gõ rõ ràng hơn khi bạn tăng tốc không? Điều này có thể cho thấy rằng động cơ bị mòn sớm. Nếu tiếng ồn quá mức, đây có thể là dấu hiệu của ống xả bị hư hại, đó là kết quả của sự ăn mòn gây ra các lỗ nhỏ trên đường ống.

Phanh có lắc lư hoặc rung lắc qua tay lái hay bàn đạp không? Đây là dấu hiệu của một trong số nhiều đĩa phanh có thể bị cong vênh và cần được thay thế. Phanh tay có ổn định không? Đảm bảo phanh tay giữ xe trên dốc đúng cách. Nếu xe ô tô được trang bị phanh tay điện tử, hãy đảm bảo nó hoạt động và ngắt nhịp nhàng.

Kiểm tra gầm xe

Nhiều khách hàng khi mua xe ô tô cũ, kiểm tra nội thất, ngoại thất xe nhưng để quên mất bộ phận quan trọng nhất và dễ bị hao mòn nhất trên xe ô tô, chính là khung gầm xe. Khung gầm xe là chi tiết tiếp xúc gần với mặt đường và rất dễ bị hư hỏng, gỉ sét nên khi kiểm tra ngoại thất, nếu được hãy nhờ một người hoặc thuê người có kinh nghiệm sửa xe ô tô kiểm tra bộ phận này thật kỹ.

Kiểm tra lịch sử bảo dưỡng

Để có thể biết được chiếc xe ô tô mà bạn định mua có được chăm sóc và bảo dưỡng kỹ càng không thì cách tốt nhất chính là kiểm tra lịch sử bảo dưỡng của xe. Nếu chủ cũ là một người cẩn trọng và tỉ mỉ thì anh ấy sẽ thường xuyên đem xe

Lịch sử bảo dưỡng cũng sẽ phản ánh rất nhiều về tình trạng của xe ô tô hiện tại, các chi tiết bên trong xe được thay đổi, sửa chữa như thế nào đều được thể hiện bên trong đó.

Không nên chốt hạ hợp đồng khi chỉ mới xem qua một chiếc xe. Việc mua xe ô tô cũ không giống như xe mới và không phải chiếc nào cũng có hiện trạng giống nhau, nên việc chuẩn bị thêm các phương án khác là điều mà bạn cần quan tâm. Nên liên hệ xem nhiều xe để có thể lựa chọn được một chiếc xe chất lượng nhất, cố gắng truy cập nhiều sàn thương mại để có thể tìm ra chiếc xe tốt và phù hợp nhất.

Kiểm tra thông tin bảo hiểm xe

Bảo hiểm có thể là chi tiết thường bị bỏ qua khi khách hàng muốn mua xe cũ. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những thông tin quan trọng nhất mà chúng ta cần lưu ý nhằm định hướng được những chi phí duy trì phương tiện trong tương lai.

Kiểm tra các giấy tờ cần thiết để làm thủ tục mua xe theo đúng quy định
Khi mua bán ô tô cũ, hãy yêu cầu kiểm tra các giấy tờ gốc của chủ xe, cụ thể là các loại giấy tờ sau đây:

  • CMND/CCCD của người đứng tên trên Đăng ký xe:
  • CMND/CCCD của vợ hoặc chồng
  • Sổ hộ khẩu
  • Giấy tờ liên quan đến tình trạng hôn nhân: Xác nhận độc thân/ đăng ký kết hôn/Xác nhận ly hôn.
  • Giấy chứng tử của Vợ hoặc chồng (nếu có).
  • Giấy xác nhận quyền thừa kế/cho/biếu/tặng (nếu có)

Bên cạnh đó cần kiểm tra giấy tờ gốc của chủ xe, người mua cũng cần kiểm tra các giấy tờ sau trước khi mua ô tô cũ:

  • Đăng ký xe
  • Đăng kiểm xe
  • Sổ bảo hành (nếu có)
  • Bảo hiểm vật chất xe (nếu có)
  • Tem đóng phí đường bộ.

Để không phát sinh chi phí khi mua xe, hãy kiểm tra nghĩa vụ đóng phí đường bộ của chủ xe cũ trước khi thanh toán toàn bộ chi phí mua xe hoặc các loại phí khác như phí trước bạ.

Back To Top